Truy cập nội dung luôn
SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi: Thu ngân sách khả quan dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19

04/01/2022 10:19    261

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp không ít khó khăn, song, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Tài chính, Thuế, Hải quan… tiến độ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 đạt và vượt chỉ tiêu được giao; chi ngân sách nhà nước được điều hành, quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Để làm rõ thêm về kết quả thu- chi ngân sách nhà nước của tỉnh trong năm qua, phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Văn Luyện- Giám đốc Sở Tài chính xung quanh vấn đề này.

PV: Trong năm 2021, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả trong công tác thu ngân sách nhà nước, với cương vị là một “tư lệnh ngành”, ông đánh giá kết quả này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Luyện: Năm 2021, Quảng Ngãi được Trung ương giao thu ngân sách 16.005 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 11.005 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 5.000 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 13.055 tỷ đồng. Trong khi đó, do ảnh hưởng nặng nề của dịch covid-19, cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn tỉnh cũng đã chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều may mắn là một số doanh nghiệp lớn đóng chân trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động và đảm bảo giữ được số thu lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty Bia Sài Gòn- Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất,.... Bên cạnh đó, Ngành Thuế, Hải quan tập trung công tác thu, thu nợ đọng ngay từ đầu năm.

Nhờ đó, công tác thu ngân năm 2021 của tỉnh đạt kết quả khả quan, với tổng số thu trên địa bàn ước đạt 23.858 tỷ đồng, đạt 148,7% dự toán Trung ương giao, bằng 131,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Ước tăng thu ngân sách nhà nước so với dự toán Trung ương giao là 7.811 tỷ đồng, tăng thu so với HĐND tỉnh giao 5.761 tỷ đồng.

Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 3.800 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao (khoản thu này thuộc ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh không được hưởng).

Thu nội địa ước đạt 15.017 tỷ đồng, tăng thu ngân sách so với dự toán Trung ương giao là 4.011 tỷ đồng, tăng thu ngân sách so với dự toán HĐND tỉnh giao là 1.961 tỷ đồng; trong đó, thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ước đạt trên 8.310 tỷ đồng, tăng 3.318 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND tỉnh giao.

Nguồn vượt thu chủ yếu là từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vượt 3.318 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND tỉnh giao. Nguyên nhân đạt cao dự toán và tăng cao so cùng kỳ là do giá dầu thô thế giới tăng lên, bình quân cả năm dự kiến ở mức 68,5 USD/thùng (giá giao dự toán là 46,9 USD/thùng), tỷ lệ dầu thô nhập từ mỏ Bạch Hổ ước đạt ở mức 29,5%/tổng lượng dầu thô đầu vào (tỷ trọng giao dự toán là 26,4%). Giá bán sản phẩm đầu ra bình quân khoảng 15 triệu đồng/tấn, đạt 144,5% so với giá bán dự toán tỉnh giao (10,4 triệu đồng/tấn).

Trong tổng số thu nội địa năm 2021 của tỉnh dự kiến 15.017 tỷ đồng, phần cân đối ngân sách địa phương được hưởng khoảng 12.875 tỷ đồng, tăng so với dự toán Trung ương giao 3.634 tỷ đồng, tăng so với dự toán HĐND tỉnh giao 1.629 tỷ đồng. Nếu không tính tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thì số tăng thu này so với dự toán Trung ương là 3.481 tỷ đồng, tăng so với HĐND tỉnh giao 3.126 tỷ đồng. Sau khi trừ thực hiện cải cách tiền lương thì số thu năm 2021 tỉnh được hưởng tăng thêm trên 900 tỷ đồng. Đây là nguồn thu vô cùng quý giá trong điều kiện xử lý hụt thu ngân sách của những năm trước.

Có được kết quả khả quan trên một phần là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ngay từ những tháng đầu năm; đồng thời, cũng là nhờ vào sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành Thuế trong quá trình điều hành thu Ngân sách.

PV: Với tình hình hụt thu của 2 năm trước, cộng với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm qua, ông có thể đánh giá thêm về công tác chi NSNN, đảm bảo chính sách an sinh xã hội và nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội của địa phương trong năm qua?

Ông Nguyễn Văn Luyện: Năm 2021, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt hơn 10.856 tỷ đồng, bằng 93% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 72,5% so với năm 2020; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt hơn 2.764 tỷ đồng, bằng 81,1% so với dự toán, bằng 49,1% so với năm 2020. Chi thường xuyên ước đạt hơn 8.088 tỷ đồng, bằng 100,9% so với dự toán giao, bằng 86,7% so với năm 2020. Chi thực hiện các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu đạt 100% dự toán giao.  

Trong năm, việc bố trí, phân bổ vốn, giao dự toán chi đầu tư phát triển cho các dự án, công trình tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2021, phân bổ kịp thời và đúng quy định theo các thông báo của trung ương về mục tiêu, cơ cấu và chỉ tiêu kế hoạch vốn giao. Nhiệm vụ chi thường xuyên được điều hành sát theo dự toán được giao. Việc quản lý, kiểm soát và sử dụng chi ngân sách được thực hiện theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên nhằm chủ động dành nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác của địa phương.

Tổng hai khoản chi đều thấp so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chi đầu tư phát triển đạt thấp so với kế họach là do nguồn thu từ tiền sử dụng đất không đạt nên chi đầu tư phát triển chỉ bằng 49% so với năm 2020. Chi thường xuyên thấp là do cắt giảm các khoản chi không cần thiết, chủ yếu chỉ phát sinh chi cho công tác phòng, chống dịch.

Đối với nguồn kinh phí dự phòng ngân sách cấp tỉnh khoảng 216,334 tỷ đồng; trong đó, kinh phí dự phòng bố trí dự toán đầu năm là 120 tỷ đồng; kinh phí dự phòng bổ sung trong năm từ các nguồn thu hồi, thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 96,334 tỷ đồng. Đến ngày 24/11/2021, dự phòng ngân sách tỉnh đã sử dụng  169 tỷ đồng.

Nhờ thực hiện cắt giảm và thu hồi các khoản chi không cần thiết đã thu về cho ngân sách dự phòng của tỉnh khoảng 169 tỷ đồng, chủ yếu tập trung chi phục vụ cho phòng chống dịch covid-19, dịch bệnh gia súc gia cầm và một số nhiệm vụ cấp thiết khác của địa phương.

P.V: Là cơ quan giữ vai trò tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài chính-ngân sách, Sở Tài chính đã có giải pháp nào để tham mưu điều hành thu, chi ngân sách một cách hiệu quả nhất thưa ông?  

Ông Nguyễn Văn Luyện: Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 được thực hiện trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tác động rất lớn đến các nguồn thu chủ lực của tỉnh; thị trường bất động sản lắng xuống cũng đã gây khó khăn trong công tác phát triển các quỹ đất- làm giảm nguồn thu lớn từ đất…

Bên cạnh đó, trong năm qua, có rất nhiều khoản chi phát sinh không nằm trong dự toán như chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến tỉnh phải sử dụng đến nguồn ngân sách dự phòng. Trong khi đó, nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh có hạn, chỉ được sử dụng 50%, chính vì vậy, Sở Tài chính đã rất khó khăn, bị động trong việc phân bổ nguồn lực để đảm bảo chi cho phòng chống dịch và các hoạt động của tỉnh. Cùng với đó, ngân sách năm 2021 cũng phải bố trí nguồn lực để xử lý phần hụt thu của năm 2020 (năm 2019 và năm 2020 hụt thu ngân sách tỉnh hưởng so với dự toán HĐND tỉnh giao trên 5.500 tỷ đồng). Điều đó cho thấy, việc điều hành phân khai ngân sách của tỉnh trong năm 2021 là rất khó khăn.  

Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện cắt, giảm các khoản chi thường xuyên theo quy định của Trung ương và điều chỉnh các nhiệm vụ chi để tạo nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, phát sinh khác của địa phương nhằm đảm bảo nguồn lực để tỉnh thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội”,…

Mặc dù ảnh hưởng nặng của dịch covid-19, tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn đóng chân trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Năm 2021 là năm đầu thời kỳ ổn định, Ngành đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa  ngân sách các cấp chính quyền địa phương áp dụng từ năm 2022 và trong cả giai đoạn 2022-2025; đồng thời, rà soát, sắp sếp lại xe ô tô dôi dư theo các chức danh của các cơ quan để thu hồi, điều chuyển cho phù hợp; phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, công sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng bảng giá tính thuế tài nguyên, hệ số điều chỉnh giá đất; mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển; giá dịch vụ sự nghiệp công đối vị đơn vị sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; phân cấp việc quản lý tài sản công, mua sắm tập trung cho cấp huyện, các sở ngành.

PV: Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong thời gian tới dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến các nguồn thu NSNN. Vậy, để đảm bảo các mục tiêu đề ra, trên cương vị lãnh đạo ngành, ông có thể cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Luyện: Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 khoảng 24.293 tỷ đồng, tăng so với Trung ương giao là 5.053 tỷ đồng. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến khoảng 7.500 tỷ đồng, bằng 85,2% ước thực hiện năm 2021, bằng dự toán Trung ương giao.

Thu nội địa dự kiến khoảng 16.710 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2021; trong đó, thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 7.935 tỷ đồng, bằng 111,8% so với năm 2021; thu tiền sử dụng đất khoảng 3.100 tỷ đồng, tăng 2.300 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao; thu các khoản còn lại dự kiến khoảng 5.675 tỷ đồng, tăng 7,4% so với ước thực hiện năm 2021.

Theo dự báo của Ngành, năm 2022, kinh tế của tỉnh sẽ dần phục hồi và ổn định, kinh tế sẽ có sự tăng trưởng so với năm 2021, nhưng ở mức tăng trưởng chậm; dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục tác động ảnh hưởng đến các hoạt động của nền kinh tế tỉnh. Do vậy, để đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước trong năm 2022, Ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh điều hành ngân sách trên cơ sở đúng pháp luật, trên tinh thần tiết kiệm hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí- Đây là mục tiêu cao nhất mà Ngành đặt ra trong năm 2022.

Đồng thời, Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước tỉnh để đảm bảo theo dõi sát sao việc thu gắn với chi, để tham mưu cho chính quyền tỉnh có biện pháp cắt giảm sớm, tránh tình trạng  mất cân đối ngân sách.

Ngành cũng sẽ phối hợp với các cơ quan thu để đưa ra các biện pháp quản lý thu đạt dự toán thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế, cũng như khai thác các nguồn thu triệt để, kịp thời; cùng với các ngành theo dõi tiến độ đầu tư công để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và bố trí nguồn lực trả nợ cho phù hợp, tránh trường hợp công trình kéo dài, lãng phí chậm tiến độ trên cơ sở nguồn lực đảm bảo.

Cùng với đó, tiếp tục xử lý, sắp xếp lại xe ô tô dôi dư theo các chức danh của các cơ quan để thu hồi, điều chuyển cho phù hợp; phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, công sản trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh thưởng vượt thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách. Xây dựng các tiêu chuẩn định mức của đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng Đề án riêng để sắp xếp và xây dựng lộ trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, điểm mới trong năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào những nội dung phân cấp, phân quyền cho các đơn vị cấp dưới về quản lý tài sản công, quản lý mua sắm, điều chuyển, thanh lý và việc xác định giá khởi điểm để đấu giá,... theo hướng ngân sách cấp nào thì cấp đó được quyền quyết định.

Xin cảm ơn ông!

Theo quangngai.gov.vn