Truy cập nội dung luôn
SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi - Tìm nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp

26/03/2021 16:28    380

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị lần thứ 3, khóa XX, sáng 25-3, Tỉnh ủy tiếp tục thảo luận và thông qua Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XX về huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Theo dự thảo Nghị quyết, phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8-9%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân từ 7-8%/năm. Tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ trong GRDP khoảng 69-70%. Riêng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP khoảng 36-37%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt trên 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 12%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 10%.

Tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 63% tổng số lao động toàn tỉnh; trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 30-32%. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 6,5-7%/năm.

Phấn đấu 92% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động; từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phù hợp…

Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8-9%/năm

Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp   thu hút đầu tư khoảng 5-6 tỷ USD, các cụm công nghiệp thu hút khoảng 800 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt 75% trở lên. Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tập trung phát triển hạ tầng khu công nghiệp; thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao; tập trung tháo gỡ các cơ chế vướng mắc và phát triển nguồn nhân lực chất lượng; phát triển một số ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đưa tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Đồng chí Nguyễn Văn Luyện- Giám đốc Sở Tài chính thảo luận tại hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Luyện- Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, tình hình ngân sách hiện nay rất khó khăn, có thể kéo dài 2 đến 3 năm, việc thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, cần có danh mục cụ thể để thu hút đầu tư và có thể chia 3 nhóm: những ngành nghề khuyến khích, không cần xin phép; những ngành nghề nào buộc phải xin phép và những ngành nghề cấm đầu tư để nhà đầu tư lựa chọn; đồng thời, cần phát huy hết lợi thế ngành công nghiệp đóng tàu.

Đồng chí Ngô Văn Trọng- Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN cho rằng Quảng Ngãi cần tập trung kêu gọi các nhà đầu tư phát triển hạ tầng, doanh nghiệp lớn có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao

Đồng chí Ngô Văn Trọng- Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho rằng, cần đánh giá kết quả, hiệu quả sử dụng đất, dự báo nhu cầu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan tư vấn để định hướng khung, mức độ phát triển Khu kinh tế trong thời gian đến. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng trong Khu kinh tế. Đây là nền tảng hình thành nên các khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, qua đó thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất

Theo đồng chí Ngô Văn Trọng, trước đây, ở Khu Công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú chỉ thu hút nhà đầu tư nhỏ, có công nghệ không cao, đóng góp ngân sách không nhiều, thu nhập hạn chế. Hiện nay, VSIP tập trung thu hút các nhà đầu tư FDI (36 dự án), mang lại giá trị xây dựng, tạo ra giá trị sản xuất, giải quyết lao động, nộp ngân sách, tiếp cận được quản lý, công nghệ, tạo ra mối quan hệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh. Do đó tập trung kêu gọi các nhà đầu tư phát triển hạ tầng, doanh nghiệp lớn có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao; tập trung tháo gỡ khó gỡ vướng mắc, nhất là các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho các dự án đi vào hoạt động cũng như bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án lớn trong thời gian đến.

Đồng chí Phạm Xuân Duệ- Chánh Văn phòng UBND tỉnh- cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi nâng cao công nghệ, ngành nghề kinh doanh

Đồng chí Phạm Xuân Duệ- Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, hiện còn nhiều doanh nghiệp công nghệ lạc hậu, ngành nghề kinh doanh không phù hợp, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi nâng cao công nghệ, ngành nghề kinh doanh phù hợp với xu thế hiện nay; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến,...

Theo quangngai.gov.vn