Truy cập nội dung luôn
SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tạo động lực mới cho sự phát triển

02/06/2021 13:49    336

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra mục tiêu là: Đến năm 2025, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại. Tuy nhiên, đến nay Quảng Ngãi đã cơ bản khống chế được dịch bệnh; đồng thời đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Kinh tế khởi sắc

Bốn tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng ước đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 13,86% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 572,5 triệu USD, đạt 40,9% kế hoạch năm, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước đạt 772,2 triệu USD, đạt 44% kế hoạch năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến hóa dầu. Trong ảnh: Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PV

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6.941 tỷ đồng, bằng 123,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 38,4% dự toán năm; thu hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 2.096 tỷ đồng, bằng 132,3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 41,9% so với dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương 4 tháng ước đạt 3.337 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ năm trước và bằng 23,8% so với dự toán năm.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 4 tháng đầu năm đạt được những kết quả khả quan: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất nhập khẩu, doanh thu hoạt động thương mại, sản lượng thủy sản, năng suất lúa vụ đông xuân, thu ngân sách đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là tình hình dịch bệnh ở gia súc diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân; thu hút các dự án ngoài ngân sách đạt thấp; tình hình trật tự xã hội trên địa bàn phát sinh một số vấn đề “nóng”, tạo dư luận không tốt trong xã hội như: Tình trạng khai thác cát trái phép, tình hình tai nạn giao thông... Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, nhưng tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới lại diễn biến hết sức phức tạp, đã và đang là những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung, tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân từ 7 - 8%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 6 - 8%/năm. GRDP bình quân đầu người khoảng 4.200 - 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GRDP khoảng 69 - 70%; tỷ lệ đô thị hóa trên 35%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong 5 năm đạt ít nhất 150.000 tỷ đồng. Phấn đấu thu ngân sách hằng năm vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 5%.  

Kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi trong 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 572,5 triệu USD, đạt 40,9% kế hoạch năm. Trong ảnh: Doosan Vina tập kết thiết bị cơ khí tại cảng chuyên dụng để xuất khẩu sang Nhật Bản. ẢNH: D.S

Cùng với đó, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, có 119 xã và 6 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm; có ít nhất 90% dân số đô thị, 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hằng năm, có khoảng 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng, trong đó vững mạnh toàn diện đạt khoảng 65%.

Về xây dựng Đảng, bình quân hằng năm, có khoảng 70% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có khoảng 20% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đâu là giải pháp?

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, nếu so sánh một số chỉ số về kinh tế thì Quảng Ngãi đang ở mức khá so với các tỉnh trong khu vực miền Trung, nhưng nếu so sánh một số chỉ số về xã hội, như thu nhập thực tế của người dân, hộ nghèo, các chỉ số giáo dục, y tế... thì ở mức thấp so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Chính vì thế, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu phải trở thành “tỉnh phát triển khá”, không những về kinh tế, mà cả về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu nêu trên, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực xã hội, chú trọng cả nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh và các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng ngành, lĩnh vực. 

Xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khoa học, tính liên tục, kế thừa, có tầm nhìn dài hạn, kết nối. Phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Xem đây là nhiệm vụ trung tâm, là tiền đề, cơ sở quan trọng để đạt được mục tiêu và để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; chủ động tham gia, tận dụng tốt các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển công nghiệp ngoài dầu và công nghiệp phụ trợ cho các cụm ngành công nghiệp có lợi thế. Tiếp tục phát triển KKT Dung Quất với các sản phẩm mới, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến hóa dầu. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và mở rộng KCN VSIP Quảng Ngãi. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng chuyên sâu, bền vững; nâng cao giá trị gia tăng gắn với chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp. 

Quan tâm phát triển kinh tế biển; phát triển toàn diện ngành thủy sản cả nuôi trồng và khai thác thủy sản xa bờ bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ; đẩy mạnh phát triển du lịch. Chú trọng phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở khai thác và phát huy lợi thế của cảng biển nước sâu Dung Quất. Phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân. Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở nâng tầm giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở núi Cà Đam, Gành Yến, suối nước nóng Thạch Bích... Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở một số địa phương có điều kiện trong tỉnh. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, cùng với phát triển kinh tế, phải giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, con người Quảng Ngãi, xem đây là nền tảng, sức mạnh nội sinh đặc biệt quan trọng cho sự vươn lên phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh trong những năm đến. Để Quảng Ngãi đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá Vùng miền Trung vào năm 2025, ngoài giữ vững sự đoàn kết thống nhất, kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, cần tập trung xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và cung cấp các dịch vụ công. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền, tiết giảm tối đa thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động quản lý hành chính.

Theo baoquangngai.vn